Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar đã bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước này rút nhân viên không thiết yếu khỏi Myanmar.
"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ chỉ thị chính thức nào về việc sơ tán", các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc hoạt động tại Myanmar đã xác nhận như vậy với Thời báo Hoàn cầu.
Nhân viên của một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc ở Myanmar bao gồm Tập đoàn Tổng công ty Đầu tư Điện lực Nhà nước Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn China Unicom cũng đều phủ nhận về sự tồn tại của chỉ thị này.
Trước đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) thông tin, chỉ thị trên do Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước (SASAC) ban hành.
Thông tin này được đưa ra sau khi có ít nhất 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại một khu công nghiệp ở Yangon (Myanmar) bị đốt phá hôm thứ Hai.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, vụ việc đã gây thiệt hại về tài sản lên đến 240 triệu nhân dân tệ (tương đương 36,89 triệu USD) và khiến 2 nhân viên Trung Quốc bị thương, tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong.
Một nguồn tin của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) Yangon nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, việc sơ tán khỏi Myanmar chỉ được đề cập đến trong một lời khuyên an toàn từ tổ chức SOS quốc tế. Tuy nhiên, lời khuyên này không chỉ dành cho các công ty Trung Quốc mà còn với các doanh nghiệp từ các quốc gia khác.
Theo tờ báo này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với tình hình hỗn loạn ở Myanmar, nếu có sơ tán thì chỉ là cuộc thảo luận ở cấp công ty.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có di tản công dân ở Myanmar về nước hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này vẫn đang theo sát tình hình và rất quan tâm đến sự an toàn của các tổ chức và nhân viên Trung Quốc.
Một đại diện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Myanmar cũng cho biết, ông không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc sơ tán nhân viên từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình hỗn loạn ở Myanmar, một số công ty đang xem xét quay về Trung Quốc.
Thực tế, theo quản lý của một công ty thủy điện thuộc nhà nước Trung Quốc, một số nhân viên người Trung Quốc của công ty này ở Myanmar đã về nước cách đây vài tuần. Các dự án của công ty ở Myanmar đang phải tạm dừng.
0 nhận xét: