Sau khi rời Barcelona, Pep Guardiola đã cặm cụi tìm kiếm nhưng không bao giờ thấy được một cầu thủ mà ông cần như Messi.
Bartomeu từ chức, Messi liệu có thay đổi quyết định? Câu hỏi này mở ra nhiều hướng suy luận. Nếu Messi quyết định ở lại Camp Nou và dẹp tan những hỗn loạn thông tin vừa rồi, rất có thể tờ fax của anh chỉ là nước cờ mồi để ép Bartomeu từ chức.Điều đó có thể chứng minh tình cảm Messi dành cho Barca lớn thế nào nhưng nó cũng chỉ ra rằng Barca là CLB có vấn đề, khi để một ngôi sao quyết định toàn bộ cuộc chơi. Còn nếu Messi vẫn dứt áo ra đi, nó chứng tỏ sự thất vọng với cách điều hành Barca trong anh lên tới đỉnh điểm. Và hơn nữa, anh cũng muốn làm mới mình ở một vùng trời thách thức khác.
Vùng trời ấy rất có thể là Man City, với điều khoản kèm thêm là “về hưu ở Mỹ”. Và lý do nào lại là Man City? Có phải Pep Guardiola không? Viễn cảnh đoàn tụ với Pep ở Man City của Messi rồi sẽ ra sao?
Messi từng rất hạnh phúc khi sát cánh bên Pep. Ảnh: Getty. |
Mối quan hệ tri kỷ giữa Pep - Messi
Người ta từng nói với nhau rằng Pep Guardiola đã tạo ra Messi như một con quái vật. Họ cũng lý giải việc Pep dừng lại ở Barca cũng bởi ông bị vắt kiệt ý tưởng khi nuôi dưỡng con quái vật ấy.
Quả thực, bóng đá có thể cho con người sức mạnh liên tưởng đến vô cùng. Guardiola thực sự đã khai thác Messi cực tốt nhưng ông không hề tạo ra anh. Nói thẳng ra, chả có con quái vật nào trong cơ thể của "El Pulga" cả.
Nhưng Messi thì luôn giữ sự kính trọng tuyệt đối dành cho Pep mặc dù thời thơ ấu ở La Masia và cả quãng thời gian khoác áo Barcelona B, Messi không làm việc cùng Pep. Pep không phải là người tạo ra ngôi sao Lionel Messi.
Tài năng của Messi tạo ra chính anh. Những nhân vật tinh tường ở Barca nhận ra tài năng ấy và giúp anh phát triển nó. Nhưng dấu ấn của riêng Pep lên anh là vô cùng đặc biệt.
Khi Barca đăng quang ở Champions League tại Paris năm 2006, nhiều người nhắc tới Messi ở mùa giải ấy, dù cho anh bỏ lỡ trận chung kết. Thể lực chưa hồi phục sau chấn thương là thứ người ta đưa ra để biện minh cho sự vắng mặt của Messi trong đêm Paris tháng 5/2006.
Nhưng rõ ràng, việc Frank Rijkaard có trong tay Ronaldinho, Ludovic Giuly, Samuel Eto'o đủ khiến ông chưa trao toàn bộ niềm tin cho Messi. Mà khi đã không tin Messi, sẽ không thể nhận từ anh sự nể trọng tuyệt đối.
Không nên trách Rijkaard ở tình thế ấy. Khi đó, ngay cả Xavi Hernandez, Andres Iniesta cũng còn phải ngồi dự bị thì chúng ta đủ hiểu "Thế hệ vàng" của La Masia chưa phải là điều gì đó quan trọng với Rijkaard, một HLV Hà Lan nhưng chất Barca thì lại ít.
Trong khi đó, ở phía Arsenal, “bạn học” của Iniesta, Xavi, Messi là Cesc Fabregas đang được coi là trụ cột. Câu chuyện này, chắc Koeman nên học thật kỹ khi ông đang thách thức cả La Masia qua mối quan hệ với Messi gần đây.
Giờ thì trở lại với Pep Guardiola. Ngày 2/5/2008, ở trận lượt về El Clasico trên sân Bernabeu, trong mùa giải đầu tiên Pep huấn luyện Barca. Lúc 22h30, ông gọi Messi đến văn phòng của mình ở Camp Nou. Ông giải thích cho riêng anh những khu vực nào trên sân nên khai thác.
Đó là lần thứ hai ông sử dụng anh trong vai trò số 9 ảo. Và trận El Clasico ấy, Barca thắng 6-2 ngay trên sân khách, với cú đúp của Messi. Kết thúc mùa giải, Barca có cú ăn 6 thần kỳ mà mãi sau này người ta còn nhắc tới.
Messi kính nể Pep Guardiola ở chỗ đó. Anh là thiên tài trên sân cỏ nhưng không phải không có những lúc bị khoá chặt bởi những đối thủ quá sắc sảo trong tổ chức lối chơi. Chỉ có Pep mới giúp anh giải phóng mình khỏi khó khăn được bày ra bởi các chiến thuật gia hàng đầu, chứ không phải bởi những đối thủ trên sân.
Có lẽ, cái vẻ buồn buồn, ít nói của Messi suốt nhiều năm qua khi chơi bóng đã có lời giải. Chúng ta những tưởng vì anh già đi, trưởng thành hơn nên anh không còn giữ được cái hồn nhiên khi chơi bóng của một Messi thời kỳ từ 2006-2012 nữa.
Nhưng có khi, kể từ khi Pep rời khỏi Camp Nou, Messi không có người để hiểu mình nên niềm vui chơi bóng cũng bị giấu lại dưới nhiều lớp biểu hiện bề ngoài.
Người ta đồn rằng khi Bayern loại Barca ở bán kết Champions League với tỷ số 8-2, người đầu tiên mà Messi gọi điện là Pep. Nhiều người suy luận đó là cuộc điện thoại để bày ra một con đường thoát ly.
Có lẽ không phải thế (nếu cuộc điện thoại ấy là có thật). Thứ Messi cần ở Pep là một chia sẻ, một thấu hiểu, một chỉ dẫn. Nếu có một điều ước cho mình, chắc chắn Messi sẽ ước rằng sau năm 2012, đội bóng mà Pep dẫn dắt sẽ là tuyển quốc gia Argentina, nơi thực sự Messi cần Pep nhất.
Có nhiều cầu thủ “đá không hay” nhưng lại “hay ghi bàn”, tức là họ hiệu quả nhưng chúng ta không thể bị hấp dẫn bởi lối chơi của họ. Cũng có nhiều cầu thủ “đá rất hay” nhưng lại “hay bỏ lỡ”, và chúng ta nhìn vào họ bằng đôi mắt mỉa mai lẫn thương hại như nhìn một kẻ màu mè, vô dụng.
Messi là một đẳng cấp khác, anh không những “đá rất hay” mà lại còn “hay ghi bàn”.
Với một cầu thủ ở vị thế như vậy, người HLV đủ để họ vị nể ắt hẳn phải có một biệt tài, biệt nhãn nào đó. Nó là mối quan hệ khó lý giải, một dạng mối quan hệ nhiều khi cặm cụi suốt một đời cũng không thể kiếm ra.
Messi và Pep đã xây dựng một quan hệ đến mức độ đó, mối quan hệ mà anh cũng từ đó nhận lấy niềm tin gửi gắm vào Tito Vilanova, người trợ lý của Pep, với lời hứa trước khi Tito qua đời “không bao giờ bỏ Barca”.
Những năm qua, Pep không thể tìm thấy Messi thứ hai. Ảnh: Daily Mail. |
Không thể tìm thấy Messi thứ hai
Sau Barca, Pep đã cặm cụi kiếm tìm nhưng không bao giờ thấy được một cầu thủ mà ông cần như Messi. Người ta cứ nói “không có Messi thì Pep chẳng làm được gì” và điều đó đúng nếu chỉ xét trên thành công ở Champions League.
Càng đúng hơn nếu tưởng tượng rằng ở Man City, người đệm bóng cận thành Lyon trận bán kết không phải Raheem Sterling mà là "El Pulga". Nhưng đừng nghĩ về Pep phiến diện thế. Đỉnh cao của một HLV không chỉ ở thành tích, mà còn là thứ triết lý bóng đá ông ta tạo ra xuyên suốt sự nghiệp.
Ta vẫn nhắc đến Pep Guardiola và Barca ở thời hoàng kim bằng định nghĩa “Tiki-taka” nhưng mấy ai hiểu Pep Guardiola ghét cái gọi là Tiki-taka vô cùng.
“Đó là một thứ rác rưởi. Đó là một thứ người ta gọi tên và mông má nó lên cho sang mồm”, Pep không ít lần nói về Tiki-taka bằng sự miệt thị. Bóng đá của ông vĩnh viễn không phải là Tiki-taka. Ông thà nói rằng mình là kẻ cắp ý tưởng của Johan Cruyff, của Louis van Gaal chứ không nhận về cái định nghĩa vớ vẩn kia.
Tiki-taka, từ tượng thanh của tiếng tích tắc mà quả lắc đồng hồ tạo ra, để ám chỉ sự luân chuyển liên tục quả bóng trong một đội đề cao kiểm soát.
Người ta gọi tên nó lần đầu khi thấy tuyển Tây Ban Nha chơi bóng năm 2006 trong khi đội tuyển này chỉ bắt đầu kỷ nguyên vàng của mình dựa trên nền tảng Barca từ năm 2008. Bởi thế, nói Barca của Pep chơi Tiki-taka thì đúng là sự xúc phạm.
Pep muốn kiểm soát bóng nhưng không muốn tích tắc, hay “rả rích” (kiểu nói bóng đá phủi). Cái kiểu chuyền qua, chuyền lại ấy không mang lại hiệu quả.
Với bóng đá của Pep, kiểm soát bóng nhưng phải có tính hướng công, tức là kiểm soát để phát triển nó thành mũi tấn công kịp thời, chứ không phải trình bày cho đẹp mà ăn thì đặng chẳng đừng.
Triết lý nền tảng của Pep luôn dựa trên ba cơ sở. Thứ nhất, ông luôn xây dựng một đội bóng xoay quanh một nhạc trưởng, một tiền vệ trung tâm có khả năng tranh chấp tốt, phân phối bóng tốt hay nói nôm na là “chia bài” đẹp.
Pep không muốn bất kỳ cầu thủ nào cầm bóng quá 2 giây sau nhịp nhận bóng đầu tiên nhưng riêng với vị trí nhạc trưởng này, ông cho phép được chậm lại hơn một chút bởi đó là cái chậm để suy nghiệm hướng phát triển, ý tưởng xây dựng nền tảng cho một đợt tấn công.
Ở Barca, Pep dồn cho Sergio Busquets vai trò đó, và ông thành công. Nhưng cũng chính ông là người đã tiếp tục với Thiago Alcantara như một người dự phòng, một người kế tục. Đó cũng chính là lý do Pep chưa bao giờ hài lòng với Yaya Toure.
Ông không nhìn thấy ở Toure tố chất của một cầu thủ chịu chấp nhận lép mình lại để chia bài. Toure thích chơi con thoi (box to box) hơn. Dù anh ghi nhiều bàn, kiến tạo nhiều nhờ vào lối chơi ấy nhưng trong mắt Pep, ấy là sự vô kỷ luật.
Đến Bayern, Pep tạo ra một Phillip Lahm chơi như thế trong sự ngạc nhiên của bao người về chuyện “Bayern có thiếu tiền vệ trung tâm đâu mà lại đưa một ông đá biên vào trung tâm”.
Song, Pep đã chứng minh mình đúng. Nhưng Pep vẫn hiểu rằng Lahm đã già, và dù gì đi nữa đó cũng không phải một tiền vệ trung tâm từ bản năng ban đầu. Ông mang Thiago về Bayern cũng bởi lý do đó. Để bây giờ, Thiago là cầu thủ hay nhất trận chung kết Champions League khi Pep đã ở Man City.
Thứ hai, Pep rất coi trọng hai hành lang trong (half space hay còn gọi là Interiores, inside channels). Đó là nơi để khai thác khe giữa trung vệ và hậu vệ biên, là nơi cầu thủ tổ chức tấn công có thể chuyền chọc khe, có thể dấn thêm một nhịp và dứt điểm, có thể tạt sớm chuyển hướng tấn công trực diện qua cột hai…
Nói chung, đó là vùng cơ hội và Pep luôn coi trọng khả năng khống chế, khai thác hai hành lang này của hai tiền vệ trung tâm còn lại cùng sự phối hợp từ tiền đạo cánh.
Hai hành lang này ở Barca thời đỉnh cao, Xavi và Iniesta luôn là ông chủ và họ đã góp phần tạo nên một Barca bất khả chiến bại cho Pep. Ở Bayern, Pep không thể hoàn thiện được một bộ đôi tiền vệ trung tâm nào có thể làm chủ hai hành lang này như Xavi và Iniesta từng làm cho ông tại Barca.
Ba lần vào bán kết Champions League, ba lần ông dùng Thomas Müuler chơi cặp với 3 người khác nhau, từ Toni Kroos cho tới Arturo Vidal, Lahm. Đáp án: bất khả.
Và hôm nay là ở Man City, ông mới chỉ có Kevin de Bruyne là người ông tin tưởng nhất. Nửa còn lại, dù chơi hay đến mấy, vẫn chưa khiến ông cảm thấy hài lòng.
Pep vẫn trong hành trình một nửa của mình nhưng dù sao ở Man City, mọi thứ vẫn còn khả dĩ hơn ở Bayern bởi cả David Silva lẫn Ilkay Guendogan đều cho thấy khả năng của những tiền vệ trung tâm biết “đánh chiếm” hành lang trong thực thụ. Và tương lai, Phil Foden có thể giúp ông hoàn thiện khung tiền vệ của Man City đúng theo triết lý mà ông gây dựng.
Nhưng cái mà Man City thiếu chính là yếu tố thứ ba. Cầm nhịp, chiếm giữ hành lang trong rồi, Pep cần toàn đội dồn bóng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cho ngòi nổ lớn của đội. Pep muốn người đó có càng nhiều không gian để tấn công càng tốt.
Ngòi nổ lớn ấy, Pep vẫn mòn mỏi kiếm tìm ở Arjen Robben, Robert Lewandowski, ở Sergio Aguero, ở Raheem Sterling. Nhưng chưa một ai khiến ông thỏa mãn. Mẫu cầu thủ ấy chỉ có thể tìm thấy ở đẳng cấp cao nhất, đẳng cấp Quả bóng vàng.
Messi là hình mẫu lý tưởng nhất cho giấc mơ ấy. Nhưng Messi thì chỉ có một. Mà Pep thì khó có thể lôi kéo Messi đi theo mình khi ông rời Barca. Văn hóa Catalonia không cho phép ông hành xử như thế. Nhưng đợi chờ thì tất nhiên, ông vẫn giữ trong lòng mình.
8 năm sau ngày hai thầy trò chia tay, những đợi chờ kia vẻ như bắt đầu có cơ hội.
Vụ Messi gia nhập Man City hoàn toàn có thể xảy ra trong hè này. Ảnh: Getty. |
Messi và Pep có thành công ở Man City?
Điều gì chờ đợi họ nếu cặp tri kỷ ấy tương phùng tại Etihad? Chúng ta không thể tính toán bóng đá như kiểu giải một bài toán trên giấy tờ. Biến số của “bài toán bóng đá” là vô cùng và mọi dự báo đều chỉ mang tính hú họa.
Song, niềm tin thì lại là thứ nhiều người có thể xây dựng. Với những ai ghét việc Messi sang Man City, họ sẽ tin vào thất bại. Ngược lại, ai yêu mến sự trùng phùng của Pep và Messi, họ vững tin vào thành công.
Messi bây giờ không còn ở tuổi sung sức nữa. Những bước chạy của anh rồi sẽ nặng nề dần theo năm tháng. Khó có thể kiếm tìm lại một Messi trận nào cũng bùng nổ đúng lúc người ta chờ đợi nhất, với những không gian mà khi anh đã xoáy vào khai thác, đối thủ chỉ có ngỡ ngàng bởi kỹ thuật, tốc độ, sức tỳ đè và độ tinh quái của một “con bạc già” biết che chắn bóng tốt.
Bóng đá Anh thì lại thiên về tốc độ, sức mạnh, va chạm với đội ngũ trọng tài không quá khắt khe trong các pha 1 đối 1. Messi sẽ ra sao nếu anh là ngòi nổ dồn bóng ở Man City?
Sẽ đau lắm đấy. Sẽ nhiều cười nhạo ban đầu lắm đấy. Nhưng thử thách mới luôn tạo ra hưng phấn mới và bản lĩnh của Messi thừa đủ để khiến những chỉ trích phải im bặt.
Người Anh cũng khôn ngoan vô cùng. Họ có thể thích mỉa mai một ngôi sao ngoại quốc nhưng nếu đó là siêu sao có thể tạo thêm giá trị cho giải đấu, họ sẽ biết chừng mực.
Vị thế của Messi ở Etihad sẽ là vị thế của một ông hoàng, còn ghê gớm hơn thời người Anh hân hoan đón nhà vô địch Juergen Klinsmann hồi thập niên 90. Ở vị thế đó, cú hích tinh thần cho phần còn lại cũng sẽ tạo nên nền tảng để họ chơi tốt hơn nhằm phục vụ một siêu sao có thể là cứu tinh của cả đội.
Nhưng trên hết, ở La Liga, Messi đã và đang đeo mang một cái gông vô hình quá lâu, với bao nhiêu kỳ vọng dồn hết lên bản thân anh. Từng tuần trôi qua với Messi ở đó là những tuần như tuần cũ, không có gì mới lạ, không có gì quá thách thức.
Nước Anh có mù sương, có mưa nhiều, có lạnh đi nữa, nó cũng là một môi trường rất mới mẻ. Nhiều khi, chỉ một đổi thay nhỏ thế thôi cũng đủ khiến con người ta tươi mới tạm thời được vài tháng. Chỉ cần vài tháng ấy, Messi chứng tỏ được giá trị của mình, nó sẽ lại là động lực tiếp nối để anh chinh phục ở Man City.
Từng có người nói họ chờ mong Messi đến Etihad vì với sự xuất hiện của Messi, De Bruyne sẽ còn nâng tầm lên thành “nhà kiến tạo cấp vũ trụ”. Nghe có vẻ hồn nhiên, ngây thơ, nhưng nó cũng có những cái đáng để mong chờ.
De Bruyne vẫn sẽ kiến tạo như thế thôi song số cơ hội bị bỏ lỡ chắc sẽ ít hơn. Chỉ cần chút ấy thôi, chúng ta sẽ đủ thấy một Man City khác biệt.
Nhưng nói gì thì nói, kịch bản thành công không phải là chắc chắn hoàn toàn, hay có tỷ lệ cao tới mức có quyền quên đi khả năng thất bại. Kịch bản ấy khá giống với những mô típ điện ảnh, kiểu mấy ông già đã gác kiếm bỗng một ngày tụ lại với nhau vì một phi vụ cuối cùng.
Bóng đá khác điện ảnh ở chỗ đối thủ rất đông và đa dạng. Và Messi được mong về Etihad không phải để vô địch Premier League. Không Messi, điều đó cũng đã xảy ra rồi.
Thế nên, chúng ta cần hiểu nếu Messi về Etihad, đó sẽ là canh bạc cả đời của Pep. Ông vẫn đi tìm danh hiệu Champions League ngoài Barca. Trước đó, không Champions League ở Bayern là thất bại của ông.
Chưa có Champions League ở Man City cũng gần như một thất bại kế tiếp cho Pep. Nếu có Messi, và có Champions League, người ta sẽ nói về Messi nhiều hơn thay vì nói về Pep. Còn nếu không có chiếc cúp bạc tai to, họ sẽ nói về Pep nhiều hơn là về Messi. Dù sao, người ta cũng có thể thông cảm cho một cầu thủ già. Còn một HLV thì vĩnh viễn không.
Trong mối quan hệ tri kỷ này, rõ ràng, Pep mãi mãi là người đứng mũi chịu sào. Và Pep thực ra không phải là kẻ thích thứ bóng đá lãng mạn như ai đó vẫn nghĩ. Ông nghĩ về hiệu quả nhiều hơn mà hiệu quả là thứ không thể được “make up” như cái tên Tiki-taka.
Song, nếu Pep dám chơi canh bạc cuộc đời, điều đó cũng đã đủ để chúng ta bái phục rồi, chứ chưa nói đến chuyện tài năng của ông, thứ vĩnh viễn không bao giờ nên bị phủ nhận.
0 nhận xét: