Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Bất ngờ thăm Tây Tạng, ông Vương Nghị phát cảnh báo tới Ấn Độ - ông Modi lập tức đáp trả 'rắn'

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết chuyến thăm được khởi hành trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa hai nước trong thời gian qua kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chuyến đi bất thường có dụng ý và lời đáp của Ấn Độ


SCMP nhận định chuyến đi của ông Vương Nghị đã khẳng định tầm quan trọng của khu vực Tây Tạng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù tuyên bố ngắn gọn từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra hôm 15/8 không đề cập đến Ấn Độ, giới quan sát nhận xét đây là một hành động bất thường và có dụng ý.

Các cuộc đàm phán ngoại giao và 5 vòng đàm phán quân sự không thể giải quyết sự bế tắc về tranh chấp căng thẳng quân sự, kéo sang căng thẳng về thương mại, công nghệ, đầu tư và địa chính trị giữa Ấn Độ - Trung Quốc.

Chuyến đi của ông diễn ra 1 ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hứa sẽ xây dựng quân đội hùng mạnh để bảo vệ chủ quyền của đất nước trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Độc lập.

Theo Business Today, trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập của Ấn Độ, ông Modi nói: "Từ Đường kiểm soát Ấn Độ - Pakistan (LoC) cho đến Đường kiểm soát thực tế Ấn Độ - Trung Quốc (LAC), bất kỳ nước nào nhòm ngó chủ quyền của đất nước chúng ta, những người lính của chúng ta sẽ đáp trả bằng cách tương tự".

Ông Modi nhấn mạnh chủ quyền của Ấn Độ là trên hết, đồng thời lưu ý thế giới đã chứng kiến Ấn Độ có khả năng làm được những gì nếu bất kỳ nước nào âm mưu làm ảnh hưởng tới chủ quyền của Ấn Độ dọc biên giới.

Thủ tướng Modi liên tục nhấn mạnh về sự hài hòa, an ninh và tự cường. Theo tờ Hinsdustan Times, đó là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của những chính sách hiện nay trong lĩnh vực quốc phòng và đối ngoại.

Hindustan Times nhận định, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Ấn Độ lại nói rất nhiều về sự hy sinh của những người lính Ấn Độ, về các áp lực quốc phòng mà Ấn Độ đang gánh chịu. Các nhà quan sát cho rằng, mặc dù không đề cập cụ thể, nhưng bài phát biểu nhiều ẩn ý nhắm tới Trung Quốc.

Bất ngờ thăm Tây Tạng, ông Vương Nghị phát cảnh báo tới Ấn Độ - ông Modi lập tức đáp trả 'rắn'
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi phát biểu trong Ngày Độc lập. Ảnh: PTI.

"Quân bài" Tây Tạng quan trọng


Trung Quốc có đường biên giới dài, còn tranh chấp với Ấn Độ, chủ yếu nằm ở vùng Tây Tạng.

Ông Vương Nghị là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc tới thăm khu vực biên giới kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong hơn 50 năm qua hôm 15/6 tại Thung lũng Galwan. 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ, Bắc Kinh từ chối tiết lộ con số thương vong.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết, an ninh và sự ổn định của Tây Tạng là vấn đề quan trọng then chốt đối với sự phát triển chung của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nhà ngoại giao làm việc với các quan chức địa phương để bảo vệ an ninh quốc gia trước những thách thức chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 lần này.

Ông Vương ca ngợi những thành tựu mà Tây Tạng đạt được dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt là trong việc đảm bảo biên giới với Ấn Độ.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng biên giới và các sáng kiến xóa đói giảm nghèo trong khu vực trong việc phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với các nước láng giềng, đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường - dự án về cơ sở hạ tầng và chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bất ngờ thăm Tây Tạng, ông Vương Nghị phát cảnh báo tới Ấn Độ - ông Modi lập tức đáp trả 'rắn'
Tây Tạng. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh Gu Su chia sẻ với SCMP, hiếm khi Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Tây Tạng, và những chuyến thăm thường diễn ra khi khu vực này được đặc biệt chú ý. Lần cuối ông Vương đến thăm khu vực này là cách đây 5 năm.

Chuyên gia Gu Su cho biết, "Chuyến thăm tới khu vực biên giới của ông Vương Nghị nhằm phát đi một thông điệp quan trọng rằng Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của mình đối với các khu vực biên giới tranh chấp."

Gu Su và chuyên gia về Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải Wang Dehua chỉ ra rằng, động thái này cho thấy Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu thế khi đối mặt với lập trường cứng rắn của Ấn Độ.

Sau cuộc đụng độ ở Galwan, chính quyền ông Modi đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty và những khoản đầu tư của Trung Quốc, đồng thời cấm ít nhất 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có nền tảng TikTok, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Ấn Độ cũng nhanh chóng đẩy mạnh việc mua vũ khí và xây dựng quân đội.

"Chuyến đi của ông Vương rõ ràng có mục đích tập hợp sự ủng hộ và xây dựng các chính sách về cách đối phó hiệu quả với Ấn Độ, đặc biệt khi New Delhi vẫn còn đang dao động giữa Trung Quốc và Mỹ," chuyên gia Wang Dehua nói với SCMP.

Chuyên gia về Ấn Độ tại Đại học Tứ Xuyên Sun Shihai cho biết căng thẳng biên giới và chuyến đi của ông Vương nhấn mạnh tầm quan trọng của Tây Tạng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Chuyên gia Sun nói, "Tây Tạng từ lâu là một vấn đề rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh và chúng ta phải hết sức thận trọng trong khả năng Ấn Độ hoặc các quốc gia khác sử dụng quân bài này."

Vào tháng 5, Bí thư Đảng ủy của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tề Ngọc, nhân chuyến thăm Tây Tạng của mình, đưa ra lời chỉ trích nhẹ tới Mỹ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia Sun, việc đối đầu với Ấn Độ không có lợi cho Trung Quốc và Bắc Kinh cũng không có ý định thay đổi những chính sách hiện tại của mình.

SHARE THIS

Viết bởi:

Trang báo tin tức uy tín cung cấp những thông tin chân thực và khách quan về mọi mặt trong đời sống xã hội.

0 nhận xét: